Truyền thống lịch sử, văn hóa
Trong quá trình cải tạo thiên nhiên, lao động sản xuất, làm thủy lợi, chống hạn, ngăn lũ, khai phá đất đai và chống giặc ngoại xâm đã hun đúc nên những giá trị tốt đẹp, sáng tạo và cốt cách của con người Hoằng Kim, góp phần tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần phong phú, góp phần tạo nên truyền thống rất đỗi tự hào của người dân nơi đây.
Truyền thống văn hóa
Hoằng Kim là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, nhân dân có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã quan tâm đến đời sống tâm linh, không ngừng chắt chiu xây dựng các công trình văn hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những biến động của xã hội, các dấu tích văn hóa, lịch sử của cha ông còn được lưu giữ ở Hoằng Kim là minh chứng cụ thể, sinh động cho bề dày văn hóa và sức sống bất diệt của con người nơi đây.
Có thể nói, làng nào của Hoằng Kim cũng có đình thờ thành hoàng làng. Trong đó nổi tiếng nhất là 2 di tích được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Di tích Đền Phủ Nghĩa Trang: Được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh năm 1998. Theo thống kê mới nhất trong cuốn Địa chí văn hóa Hoằng Hóa của Phó Giáo sư Ninh viết Giao chủ biên và dựa vào các sắc phong qua các thời kỳ phong kiến còn lại hiện nay thì ngoài 2 vị thần là Bắc Lương Vũ Đế và Liên Hoa Công chúa được thờ ở đầu phủ thì ở đình làng Nghĩa Trang còn thờ Cao Sơn thượng đẳng thần. Về vị thần được thờ ở đền Nghĩa Trang: Theo các sắc phong thời Lê Như Phúc thái ngũ niên (1647), Vĩnh thọ tam niên (1660), Vĩnh Khánh (1662) đều cho biết vị thần thờ ở đây là Bắc Lương Vũ Đế. Như vậy vị thần được thờ ở đền là một nhân vật lịch sử có thật ở thế kỉ VI bên Trung Quốc. Điều này cũng đã được một số triều đại phong kiến trước đây công nhận. Về vị thần được thờ ở phủ Nghĩa Trang: thần được gọi là Liên Hoa Công chúa là một cô gái đẹp đi cắt cỏ bị chết đuối. Có hai anh học trò đi qua bình văn và kỳ thi năm đó cả hai đều đỗ đạt, nghĩ đến câu chuyện gặp cô gái các anh quay lại hồ nhưng không thấy cô gái nữa. Tìm hiểu biết việc cũ, anh ta cho rằng cô gái chết oan nên khi làm quan, anh tâu vua cho lập đền thờ phong tặng là Liên hoa công chúa.
Như vậy, hai vị thần được nhân dân Nghĩa Trang tôn thờ ở đền phủ đều là những vị thần có công che chở và giúp cho nhân dân hạnh phúc trong cuộc sống cũng như học hành thi cử.
Di tích lịch sử Nghè My Du được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2008. My Du có các tên nôm là Mày Giàu, Kẻ Giàu, Đa Mi. Nghè là nơi thờ thần họ Cao tên Sơn, tự là Độc Cước. Ông là người có công giúp dân giúp nước, được nhân dân làng My Du tôn làm thần Hoàng và được các triều đại phong sắc.
Theo sách Đồng Khánh Địa dư chí của Viện Hán nôm (Nhà xuất bản Thế giới năm 2003), thời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), tên thôn My Du, xã Sơn Trang, tổng Dương Sơn đã thấy xuất hiện. Nghè My Du thờ hai vị thần: Độc cước Sơn Tiêu và Quế Hoa công chúa. Đó là các vị thần gắn liền với nhiều giai thoại, huyền tích giúp dân, giúp nước, được dân làng ngưỡng vọng thờ cúng, báo ghi công ơn, cầu mong sự đồ trị cho cuộc sống bình yên trong nhân dân.
Hằng năm cứ đến ngày tết, ngày lễ vào dịp tháng 2 âm lịch, dân làng lại tổ chức cúng, rước kiệu. Trong đời sống văn hóa tâm linh, người dân Hoằng Kim còn rất quan tâm đến sinh hoạt lễ hội văn hóa. Đây là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần chủ yếu của người dân Hoằng Kim nói riêng, Hoằng Hóa nói chung trong thời kì phong kiến. Lễ hội ở Hoằng Kim được đúc kết qua quá trình lịch sử lâu dài, và là niềm tự hào của cả cộng đồng, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Các tập tục cũng rất phong phú, tục xem ngày, giờ, tìm hướng, định vị áp dụng thuật phong thủy đến nay vẫn còn tồn tại. Gia đình nào trong xã cũng có bàn thờ gia tiên, bàn thờ thổ công táo quân, có gia đình lập cả bàn thờ ông cậu bà cô.
Cùng với tục thờ cúng tổ tiên, nhân dân các làng ở Hoằng Kim đều thờ thành hoàng của làng tại đình. Theo họ, thành hoàng là thần linh cai quản toàn thể thôn làng, che chở cho nhân dân trong làng, trong xã tránh khỏi những hung thần, phù hộ cho dân làng được thịnh vượng. Các ngày lễ, tế trong năm cũng được người dân tổ chức trong không khí tươi vui, phấn khởi. Tết Nguyên đán là phong tục cổ truyền của người Việt, là dịp dân làng tổ chức ăn tết, vui chơi lớn nhất trong năm. Cùng với việc học hành thi cử, nhiều thể chế, nguyên tắc sinh hoạt cũng dần dần được thực hiện và cũng trở thành tục lệ ở mỗi thôn làng.
Ngoài những tục lệ vui chơi để rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe, nhân dân Hoằng Kim còn xây dựng được nếp sống ngay thẳng cần cù nhẫn nại. Nhân dân rất coi trọng các tập tục như: tôn trọng người cao tuổi. Với đạo lý kính già yêu trẻ, những người từ 60 tuổi trở lên được miễn đóng góp tạp dịch, con cháu làm lễ tế gia tiên để bố, mẹ Thọ tịch. Thường các gia đình tổ chức lễ mừng thọ để con cháu và làng xóm đến tặng quà, chúc thọ bằng lời chúc, câu đối thơ, ca thể hiện sự mong muốn Kính lão đắc trường thọ.
Truyền thống trong lao động
Từ xa xưa, các dòng họ từ nhiều vùng, miền khác nhau đã lựa chọn mảnh đất Hoằng Kim làm nơi sinh tụ, định cư, khai phá đất đai, phát triển sản xuất. Trong quá trình khai khẩn ruộng hoang, đất trống, bằng bàn tay lao động và khối óc sáng tạo, người Hoằng Kim đã biết dựa vào thuận lợi của điều kiện tự nhiên và vị trí thuận lợi, khắc phục khó khăn, cùng chung sức, chung lòng khơi dòng dẫn nước, be bờ, biến đất hoang thành ruộng đồng, xóm làng trù phú. Là nơi giao nhau của các tuyến giao thông quan trọng, Hoằng Kim vốn là nơi sớm thu hút những con người năng động, giàu sức sáng tạo, linh hoạt và giỏi trong cách làm giàu đã tụ hội về đây, xây dựng thành trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả vùng các xã phía Bắc huyện. Nét đẹp được người dân Hoằng Kim hun đúc thành truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, thông minh và sáng tạo. Truyền thống đó đã góp phần xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng làng xã, tạo dựng cho quê hương bên cạnh là vùng nông nghiệp và thủ công nghiệp trù phú còn trung tâm buôn bán sầm uất của cả vùng với truyền thống hàng trăm năm.
Từ nguồn đất đai phì nhiêu, từ xa xưa nhân dân đã đoàn kết, tự lực, tự cường, tương trợ lẫn nhau khai phá đất hoang ven đồi, ven bãi trồng lúa, trồng màu, phát triển nghề nông truyền thống. Từ xa xưa, nghề nông vẫn được coi là ngành sản xuất chính ở đây. Cây trồng chủ yếu lúa, khoai lang, đậu, lạc, bông, vụ đông thì trồng xu hào, bắp cải, hành tỏi... Để phát triển, người dân đã sớm làm thủy lợi, đào kênh dẫn nước từ sông Ấu ra đồng, có nơi xa hàng trăm mét, đan gầu bằng tre nứa tát nước chống hạn. Từ đó hàng nghìn mét kênh, mương đã tưới mát cho các cánh đồng màu mỡ của xã.
Chợ Già có từ bao giờ thì chưa có tài liệu nào ghi chép lại cả, nhân dân ở đây chỉ truyền miệng nhau, đây là đất Tam bảo nhà nước phong kiến, không đánh thuế. Nếu tính thời gian hình thành, có thể lấy mốc khi vua Quang Trung trên đường ra Bắc đánh quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789, xuất hiện bài ca dao trong đó có câu: Chợ Già trước mặt, quán Mau bên đường, qua Chiêng thì rẽ sang Giàng, qua quán Đông Thổ tới làng Đình Hương, thì chợ Già đã có từ trước. Chợ họp theo phiên, mùng 5, mùng 10, 15, 20,25, 30 hằng tháng, nhưng nhộn nhịp, đông vui nhất là ngày 28 tết âm lịch, phiên chợ cuối cùng trong năm. Sự ra đời và phát triển của chợ Già đã sớm hình thành ở đây các nghề hàng xáo, buôn bán, dịch vụ thương mại và hình thành phố chợ Nghĩa Trang.
Buôn bán phát triển đã kích thích các ngành nghề thủ công cũng phát đạt theo, các hàng xáo với các nghề làm bánh, làm kẹo, dệt vải, kéo sợi, men nấu rượu cùng các nghề dân dụng như cắt tóc, sửa xe, dệt chiếu, đan cói, thêu ren, móc hộp, các ngành nghề cũng từ xã đã lan tỏa đi khắp nơi trong huyện, trong tỉnh.
Bên cạnh đó còn có các nghề làm thuốc chữa bệnh rải rác ở các thôn, như ông Nguyễn Văn Uẩn làm thuốc chữa bệnh cho trâu, bò; thuốc đơn, thuốc phong của ông Nguyễn Quốc Dự, ông Nguyễn Xuân Ôn, ông kiểm Phong, thuốc cam, thuốc chữa mắt của ông Lê Nguyên Lênh, bà lang Loát (tức bà Nguyễn Thị Nhớn), về sau có một hiệu thuốc của người Hoa kiều.
Truyền thống hiếu học
Dưới thời phong kiến, Hoằng Kim đã có những tấm gương khổ học và thành danh trong các khoa thi của triều đình. Phát huy truyền thống đó của cha ông, ngày nay lớp con cháu xã Hoằng Kim có nhiều người thành đạt, hiển danh được xã hội ghi nhận. Nhiều con em của xã là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, bác sỹ, cử nhân... đang công tác và học tập khắp mọi miền đất nước, đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thực hiện giáo dục là quốc sách hàng đầu, từ đó đã được sự quan tâm đúng mức của Đảng bộ và nhân dân qua từng giai đoạn cho đến ngày nay, cơ sở vật chất tại các nhà trường đã được xây dựng khang trang, các cấp học đã có trường tầng hóa đảm bảo đủ phòng học cho học sinh, cả 3 nhà trường từ mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở đều đã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, kể cả trường THPT Hoằng Hóa 2 đứng chân trên địa bàn xã, nơi đào tạo nguồn nhân lực trí thức cho con em các xã vùng phía Bắc huyện cũng đã đạt chuẩn quốc gia năm 2017, càng làm cho bộ mặt giáo dục trên vùng đất Hoằng Kim thêm rạng ngời. Chất lượng dạy và học ngày được nâng lên, hằng năm có tới hàng chục em học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, có em đạt 27 điểm; 28 điểm các trường đại học. Có nhiều người từ việc học hành tiến bộ mà đã thành danh, thành đạt, hiện đã và đang giữ vị trí quan trọng tại các cơ quan, nhà nước, công sở, doanh nghiệp trên khắp mọi miền của đất nước. Nhiều người sau khi đi xây dựng vùng kinh tế mới đã phát huy được truyền thống quê hương, trở thành những cán bộ cốt cán ở những vùng quê hương mới. Trong phong trào khuyến học được cả xã hội quan tâm sâu sắc, nhiều gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học được vinh danh, như gia đình ông Nguyễn Ngọc Thảo (thôn Nghĩa Trang) được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Giấy chứng nhận gia đình hiếu học cấp tỉnh năm 2010. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng để góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, phát huy truyền thống hiếu học, xứng đáng với sự hy sinh vun đắp của bao thế hệ cha anh đi trước.
Truyền thống yêu nước
Để có được cuộc sống bình yên, xây dựng quê hương như ngày hôm nay, nhân dân Hoằng Kim qua các thế hệ nối tiếp nhau đã cùng nhân dân trong huyện, trong tỉnh và cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng, phát triển và hun đúc thành truyền thống quý báu của người dân nơi đây. Cũng chính tình yêu quê hương đất nước là chất keo cố kết cộng đồng và là bệ đỡ cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Hoằng Kim trong lịch sử. Vào cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, vua Hàm Nghi đã hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến giúp vua bảo vệ quê hương đất nước. Nhân dân Hoằng Kim đã hòa trong không khí cứu nước, cứu nhà của các sĩ phu Cần Vương. Dù bị thực dân Pháp đàn áp nhưng ngọn lửa hung tàn của kẻ thù không làm người dân Hoằng Kim nhụt chí, mà trái lại, càng nung nấu chí căm thù, để khi có thời cơ, họ sẵn sàng đứng lên chiến đấu.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, truyền thống bất khuất, kiên cường đó ngày càng được hun đúc, tôi luyện. Hàng trăm thanh niên của Hoằng Kim đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong những tháng ngày lịch sử hào hùng của dân tộc, biết bao người trong số họ đã ngã xuống. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, thanh niên Hoằng Kim lại hăng hái lên đường chiến đấu. Nhiều người đã để lại một phần xương máu của mình để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Cả xã có 5 mẹ Việt Nam anh hùng, 112 liệt sỹ, hàng trăm thương, bệnh binh đã góp phần xương máu để làm nên thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tập thể cán bộ và nhân dân xã và 01 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Truyền thống đoàn kết anh dũng trong đấu tranh, cần cù sáng tạo trong lao động là sức mạnh tinh thần vô giá của nhân dân địa phương được gìn giữ, phát huy theo bề dày của lịch sử xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Truyền thống ấy được nâng lên và phát huy cao độ thành truyền thống cách mạng kiên cường khi được ánh sáng cách mạng của Đảng soi đường dẫn dắt. Tinh thần yêu nước, yêu quê hương kết hợp với niềm tin ở chủ nghĩa cộng sản của nhân dân, trở thành sức mạnh to lớn giúp Đảng bộ và nhân dân Hoằng Kim giành được những thắng lợi vẻ vang, viết tiếp những trang sử rạng rỡ trong các giai đoạn, các thời kỳ đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 2 tháng 11 (Từ ngày 11/11 đến ngày 15/11/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 1 tháng 11 (Từ ngày 04/11 đến ngày 08/11/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 4+1 tháng 10 (Từ ngày 28/10 đến ngày 01/11/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 4 tháng 10 (Từ ngày 21/10 đến ngày 24/10/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 3 tháng 10 (Từ ngày 14/10 đến ngày 18/10/2024)