GÌN GIỮ, PHÁT HUY TRỐNG HỘI TRONG CUỘC SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI

Đăng lúc: 14:25:33 31/01/2023 (GMT+7)

Mặt trái của kinh tế thị trường và sự “nở rộ” nhiều loại hình giải trí, khiến nhiều loại hình nghệ thuật dân gian nói chung và trống hội nói riêng thiếu vắng khán giả, nghệ sĩ không có “đất diễn”. Tuy nhiên, bằng trái tim yêu nghệ thuật, các nghệ sĩ không chuyên ở nhiều làng quê trên địa bàn huyện đã vượt qua khó khăn, thử thách, để gìn giữ tiếng trống hội – một loại hình biểu diễn dân gian độc đáo trong cuộc sống đương đại.

GÌN GIỮ, PHÁT HUY TRỐNG HỘI TRONG CUỘC SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI

Mặt trái của kinh tế thị trường và sự “nở rộ” nhiều loại hình giải trí, khiến nhiều loại hình nghệ thuật dân gian nói chung và trống hội nói riêng thiếu vắng khán giả, nghệ sĩ không có “đất diễn”. Tuy nhiên, bằng trái tim yêu nghệ thuật, các nghệ sĩ không chuyên ở nhiều làng quê trên địa bàn huyện đã vượt qua khó khăn, thử thách, để gìn giữ tiếng trống hội – một loại hình biểu diễn dân gian độc đáo trong cuộc sống đương đại.

 Tiếng trống từ bao đời đã in sâu trong tiềm thức văn hóa tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Trong những nghi lễ trang nghiêm hay lễ hội hè, tiếng trống trầm hùng, vang vọng tạo ra không khí uy nghi, làm tăng lòng tự hào dân tộc. Trong các lễ hội dân gian, âm vang trầm hùng của tiếng trống không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giục giã bước chân mỗi người tìm về cội nguồn bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

1. Dàn trống hội Phú Khê tại lễ Công bố huyện Hoằng Hóa đạt chuẩn NTM....jpg
Dàn trống hội Phú Khê tại lễ Công bố huyện Hoằng Hóa đạt chuẩn NTM...

Theo Quốc lộ 1A, qua cổng làng Phú Khê, chúng tôi tìm về xã Hoằng Phú - được coi là nơi giữ hồn trống tế, trống hội linh thiêng nổi tiếng từ bao đời nay. Phú Khê Hoằng Phú vẫn còn giữ lại cho mình những nét trầm mặc, uy nghiêm, cổ  kính của ngàn xưa với cây đa, bến nước, sân đình. Cùng với Đình Thượng – di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, thì hội làng hàng năm được xem là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây, gắn liền với tiếng trống tế, trống hội thúc giục, mời gọi bao người con quê hương và du khách thập phương về với hội làng. Ông Lê Minh Thiết - Chủ nhiệm CLB cho biết: “muốn chơi trống hội, trống tuồng cho hay phải chuyên tâm luyện rèn. Trống tuồng, trống hội có nhiều bộ, nhiều bài, mỗi bộ lại biểu hiện một câu chữ, một động tác phải thuần thục, nhuần nhuyễn sao cho hài hoà”. Trống hội Phú Khê dùng trong nghi lễ đình làng, bao gồm có 11 bài như bài trống rước, trống đón, trống bình thân, trống rình rình, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm, tam nghiêm..., mỗi bài có một cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau nên đòi hỏi người đánh trống phải có niềm đam mê thì mới có thể học được. Một buổi biểu diễn trống hội ở đình làng thường có 25 người tham gia, còn ở những lễ hội lớn, không gian biểu diễn rộng thì số người biểu diễn lên tới 35 đến 40 người với trang phục truyền thống là nam mặc quần áo nghi lễ màu đỏ, nữ mặc áo tứ thân, đầu đội khăn xếp. Trống hội Phú Khê sử dụng phong phú các loại trống như trống bong, trống bản, trống cái... Trong quá trình biểu diễn, các nghệ nhân không chỉ đánh trống mà còn kết hợp nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống khiến trống hội Phú Khê không chỉ có âm sắc mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem.

2...và tại Lễ hội kỳ phúc làng Phú Khê xã Hoằng Phú..jpg
...và tại Lễ hội kỳ phúc làng Phú Khê xã Hoằng Phú.

Là một CLB tuồng và trống hội thành lập muộn hơn so với nhiều CLB khác trên địa bàn huyện, CLB tuồng và trống hội làng Kim Sơn xã Hoằng Kim lại mang nét đặc trưng riêng có với dàn trống hội đều là nữ. Được phát triển từ đội văn nghệ làng Kim Sơn, CLB hát tuồng và trống hội Kim Sơn ban đầu chỉ mới có 12 thành viên, đến nay đã thu hút 30 thành viên tham gia, đa số là nữ - hầu hết họ là những người cao tuổi đam mê nghệ thuật tuồng cổ, đam mê tiếng trống hội. Riêng đội trống luôn duy trì 15 thành viên đều là nữ. 10 năm hoạt động, thời gian đầu, CLB tuồng và trống hội Kim Sơn cũng đã gặp không ít khó khăn do bộ môn nghệ thuật này đang dần bị mai một, đôi khi có những thành viên chán nản muốn bỏ cuộc. Nhưng với lòng đam mê nghệ thuật, đồng thời, kế thừa truyền thống của vùng đất là cái nôi của trò diễn, hát bội năm xưa nên các thành viên câu lạc bộ đã không ngừng cố gắng, duy trì và phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng cổ tại địa phương. Để có kinh phí hoạt động, các thành viên đã tự nguyện đóng góp tiền mua trống và trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn. Không phụ lòng mong mỏi của nhiều người yêu tuồng, mê tiếng trống hội địa phương, câu lạc bộ đã đang góp phần lưu giữ những tinh hoa văn hoá nghệ thuật tuồng, trống hội của dân tộc. Mỗi đêm diễn tại đình làng hay các làng bạn, xã bạn lại vang lên những tiếng í ới gọi nhau đi xem, lại được thấy những đôi mắt thả hồn dõi theo những điệu múa, lời hát, tiếng trống, điệu múa dùi của các nghệ nhân CLB. Và, dù họ là những “nghệ sĩ chân đất” - người nông dân chân lấm tay bùn hay cán bộ hưu trí thì đều có niềm say mê kỳ lạ với tiếng trống hội.

3. Đội trống nữ làng Kim Sơn xã Hoằng Kim tại lễ hội Phủ Vàng xã Hoằng Xuân..jpg
 Đội trống nữ làng Kim Sơn xã Hoằng Kim tại lễ hội Phủ Vàng xã Hoằng Xuân

10 năm hoạt động, CLB tuồng và trống hội Kim Sơn không chỉ biểu diễn trong làng, trong xã mà đã tham gia biểu diễn ở rất nhiều nơi trên địa bàn huyện và huyện bạn, thường xuyên tham gia trống hội trong lễ hội Phủ Vàng, lễ hội đền thờ Quốc Mẫu xã Hoằng Xuân và nhiều xã lân cận, đội trống cũng đã đi biểu diễn ở những địa phương khác như Đông Sơn, Hậu Lộc... nhằm quảng bá nét đặc sắc của trống hội làng Kim Sơn.

Chứng kiến các nghệ nhân quần chúng của câu lạc bộ biểu diễn tại một số làng văn hoá không chỉ với trống chúng tôi đều thấy ở đó lòng đam mê nghệ thuật của những thành viên CLB nơi đây. Những màn biểu diễn đều rất đặc sắc, đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc và đam mê tiếng trống hội. Bằng niềm đam mê với môn nghệ thuật này, họ đã gìn giữ và thổi hồn cho tuồng cổ và trống hội hồi sinh. Tuy nhiên,qua trò chuyện, chúng tôi vẫn thấy những thành viên câu lạc bộ Kim Sơn còn có nhiều nỗi lo âu bởi thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến tuồng, đến trống hội. Làm gì và làm như thế nào để bảo tồn và phát triển trống hội, tuồng cổ - một loại hình nghệ thuật sân khấu lâu đời của quê hương?  là điều mà mỗi thành viên câu lạc bộ quan tâm, không khỏi trăn trở về số phận của môn nghệ thuật truyền thống này khi chưa tìm được lớp kế nghiệp.

“Hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin giúp người trẻ có thể xem, trải nghiệm các sản phẩm nghệ thuật, văn hóa giải trí trở nên thuận lợi. Sự đa dạng, hấp dẫn của các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đã lôi cuốn giới trẻ, khiến một bộ phận khán giả ngày càng xa rời các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có trống hội. Vì vậy, để gìn giữ, phát huy và thu hút các bạn trẻ tìm đến với trống hội, một mình lớp người cao tuổi đam mê chưa đủ mà cần có sự phối hợp của các ngành, các cấp. Có cơ chế khuyến khích để nghệ thuật dân gian truyền thống có cơ hội lan tỏa và phát triển. Các cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều hơn những cuộc liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp và không chuyên, qua đó phát hiện quan tâm đào tạo nguồn nhân lực,... Từ đó, góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật biểu diễn trống hội trong cuộc sống đương đại” – ông Lê Văn Nụ – người trực tiếp truyền dạy trống hội cho CLB tuồng và trống hội làng Kim Sơn xã Hoằng Kim cho biết.

Chia tay các nghệ nhân trong CLB tuồng và trồng hội cung đình Phú Khê xã Hoằng Phú, CLB tuồng và trống hội Kim Sơn xã Hoằng Kim chúng tôi vẫn đọc được niềm vui qua ánh mắt và nụ cười rộng mở của họ. Và, dẫu khó khăn, những người nghệ nhân này vẫn đang hàng ngày đưa tuồng và trống hội phục hồi và lan toả trong cuộc sống hôm nay.   

                                                                                      Nguồn tin - Trung tâm VHTT TT&DL 

Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
293206